Ai là người có thẩm quyền quyết định kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm nội quy lao động của doanh nghiệp.
Khi nào doanh nghiệp được kỷ luật người lao động ?
Căn cứ theo Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động chỉ được kỷ luật người lao động khi chứng minh được lỗi của người đó và trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hoặc 12 tháng nếu hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động.
Thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động
Căn cứ khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định: Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động.
Cụ thể như sau:
- Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc…);
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân;
- Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;
- Người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.
Việc xử lý kỷ luật lao động ảnh hưởng đến thu nhập, cũng có trường hợp làm cho người lao động mất việc làm nên khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động người sử dụng lao động phải tuân thủ căn cứ để có quyền kỷ luật lao động, trình tự thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động để tránh khiếu nại, khiếu kiện về sau.