Chính sách bảo vệ sức khỏe người lao động nữ trong thời gian hành kinh được pháp luật lao động quy định cụ thể như thế nào ? Và doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ cho người lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh bị phạt bao nhiêu ?
Thời gian "đèn đỏ" lao động nữ được nghỉ bao lâu mỗi ngày ?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 155 Bộ Luật lao động năm 2012 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định về thời gian nghỉ hành kinh của người lao động như sau:
- Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Như vậy, từ quy định nêu trên thì trong thời gian hành kinh doanh nghiệp phải có trách nhiệm để người lao động nữ nghỉ 30 mỗi ngày để bảo vệ và bảo đảm sức khỏe cho người lao động nữ trong quá trình lao động cho doanh nghiệp.
Không cho lao động nữ nghỉ 30 mỗi ngày trong thời gian "đèn đỏ", doanh nghiệp bị phạt ?
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ - CP quy định như sau:
"Điều 27. Vi phạm quy định về lao động nữ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh"
Lưu ý: Nguyên tắc phạt mức trung bình, cụ thể:
Căn cứ vào khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:
- Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó;
- Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, thông thường mức phạt vi phạm hành chính được tính theo công thức sau:
Mức phạt cụ thể = |
(Mức phạt tối thiểu + Mức phạt tối đa) |
: 2 |
Ví dụ: Nếu doanh nghiêp có hành vi vi phạm không cho lao động nữ nghỉ 30 phút trên ngày trong thời gian hành kinh thì bị phạt tiền từ 500.000 -1.000.000 đồng. Như vậy áp dụng công thức nêu trên như sau: (500.000 + 1.000.000) : 2 = 750.000 đồng là mức phạt nếu không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng.
Trên đây là quy định của pháp luật nhưng trên thực tế những người lao động nữ thường rất ngại ngùng trong việc đề xuất vấn đề này với doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của mình trong thời gian hành kinh. Thông qua bài viết này, người lao động nữa hiểu rõ hơn các quyền của mình trong thời gian hành kinh nên cần phải mạnh dạn hơn đề xuất với doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của mình. Về phía doanh nghiệp cũng cần lưu ý, quan tâm hơn vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của người lao động nữ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật lao động.