Với xu thế hội nhập nên tư tưởng rất thoáng trong quan hệ nam nữ nhất là các bạn trẻ. Do đó, khi quan hệ nam nữ có một hệ lụy là mang thai ngoài ý muốn, do tuổi đời còn trẻ (có thể còn đang đi học) sợ dư luận bên ngoài, sợ bố mẹ và bạn bè chê nên các bạn trẻ sau khi sinh con ra các bạn trẻ thường bỏ rơi con…trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ nữ sinh đại học sinh con ra ném con qua cửa sổ, ném con vào thùng rác, ném con vào khe tường… và rất nhiều vụ khác
Như vậy, với hành vi giết con hoặc vứt con mới đẻ như vậy thì pháp luật quy định như thế nào và có những chế tài nào xử lý đối với trường hợp này.
Căn cứ pháp lý về tội giết hoặc vứt con mới đẻ
Căn cứ Điều 124 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định như sau về tội giết hoặc vứt con mới đẻ:
“Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”
Phân tích về tội giết hoặc vứt con mới đẻ:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể đặc biệt phải là người mẹ của đứa trẻ bị vứt hoặc bị giết mà người mẹ này phải:
+ Chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu như: Như tin vào bói toán, thần thánh cho là phải giết con thì mới không bị con ma quấy phá, sợ dư luận xã hội ở địa phương…
+ Hoặc hoàn cảnh khách quan đặc biệt như: Người phụ nữ đẻ con ra bị dị tật quá nặng hoặc do tình trạng một thân một mình, quá nghèo đói không đủ để nuôi sống chính mình, đang bị bênh tật…
+ Người mẹ này là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là phụ nữ đã đẻ ra đứa trẻ.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Tội giết con mới đẻ thực hiện bằng hành động như: Bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ… Hành vi nói trên cũng có thể được thực hiện bằng hành động như người mẹ của đứa trẻ không cho con mình bú sữa vì một nguyên nhân nào đó; không cho con đang ốm uống thuốc dẫn đến đứa trẻ chết.
+ Hành vi vứt bỏ con mới đẻ: Thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, bệnh viện, chùa… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Khách thể của tội phạm:
+ Đứa trẻ bị giết hoặc bị bỏ rơi phải do người mẹ thực hiện hành vi bị giết hoặc bỏ rơi sinh ra và đứa trẻ này sinh ra trong 7 ngày tuổi.
+ Tôi phạm trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
- Mức hình phạt:
Căn cứ Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 2 khung hình phạt như sau:
+ Khung: Quy định hình phạt đối với trường hợp giết con mới đẻ thì phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
+ Khung 2: Quy định hình phạt đối với trường hợp vứt con mới đẻ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.